Hành trình từ thiện "Mùa xuân đã đến" 2014

Nhằm hướng đến mục tiêu cao cả là xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội đối với những bệnh nhân mắc bệnh phong và đồng thời góp phần mang đến cho họ một mùa xuân ngập tràn yêu thương, bù đắp phần nào những mất mát và nỗi đau mà các bệnh nhân phong phải gánh chịu, tổ chức Dreams Fulfilled Relief Organization (DFRO) sẽ tổ chức chương trình “MÙA XUÂN VẪN ĐẾN NĂM 2014” do Bà Đỗ Minh Hiếu, Chủ Tịch DFRO làm trưởng đoàn.

Chương trình sẽ diễn ra tại các trại phong ở 3 miền của Việt Nam. Các trại phong này được thành lập bởi những nhà hảo tâm có sự đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn, nay đã trở thành gia đình của biết bao thế hệ con người mang trong mình bệnh phong quái ác, họ luôn có những khát vọng sống trong những tình huống bi thương, những nỗ lực kiên cường của ý chí, cũng như những can đảm vượt lên số phận. Đó là những con người còn rất trẻ về tinh thần, về thể xác và về cả tuổi tác nhưng lại mắc một chứng bệnh làm biến dạng con người của họ. Ai cũng đều muốn khi bệnh tật có người thân ở bên cạnh chăm sóc, nhưng chứng bệnh phong cùi làm cho họ bị xã hội và thậm chí là người thân kì thị, xa lánh. Họ phải chịu biết bao nỗi đau, không những về thể xác, mà còn là những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn.

Trại Phong Ba Sao- Hà Nam

Vị trí khu điều trị cách rất xa trung tâm Hà Nam, nằm ở khu vực hẻo lánh, cách ly khu dân cư, đi từ Hà nội khoảng 60km. Khu điều trị có khoảng 90 bệnh nhân, 100% là người già và đa phần là không có người thân, gia đình, mỗi người một cảnh, người ở đây lâu nhất là từ khi Trung tâm mới thành lập, mới nhất cũng 15 năm. Không có người thân chăm sóc nên họ coi Trung tâm là ngôi nhà thân thuộc của mình.

Những bệnh nhân ở đây cho biết, cuộc sống tinh thần ở đây rất thoải mái, họ không phải lo lắng hay sợ ai kì thị mình, chỉ có điều cuộc sống vật chất thì hơi khó khăn.

Tại đây bệnh nhân được hưởng chế độ trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng, theo đó tiền ăn trung bình của bệnh nhân chỉ vẻn vẹn 12.000 đồng/ngày nên bữa ăn không cải thiện được là bao. Thực đơn không cung cấp đủ dinh dưỡng cho họ để chống chọi với bệnh tật, vậy nên cuộc sống của các cụ già ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng mọi người ở đây luôn đoàn kết đùm bọc, yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua bệnh tật. Di chứng của bệnh phong rất nặng, hấu hết bệnh nhân tàn tật vì bị cưa tay cưa chân. Hơn một phần ba tại trung tâm được nhận sự chăm sóc đặc biệt từ các hộ lý, vì họ không còn khả năng tự chăm sóc bản thân.

Trại phong Bến Sắn- Bình Dương

Có lẽ 1 cái tết đầy đủ là 1 điều quá xa với các em ở đây. Các Sour chiụ trách nhiệm dạy dỗ con cái cuả họ và còn phải hướng dẫn họ cách sống định canh định cư, cách gieo trồng chăm bón thu hoạch. Ngoài ra còn phải dạy họ biết cách chăm sóc cho gia đình và bản thân của họ. Tuy họ bi bệnh nhưng không biết cách kế hoạch hoá gia đình nên họ có đông con. Các Sr cũng chịu trách nhiệm dạy nghề cho các cháu để các cháu có thể giúp đỡ cho cha mẹ.

GIỚI THIỆU CÁC TRUNG TÂM

1. GIÁO XỨ TÂN THÔNG – CỦ CHI

Nhà thờ Tân Thông nằm phía trái của con đường Xuyên Á (QL 22), cách QL 700 m, là nơi nuôi dưỡng gần 100 cụ già neo đơn, tàn tật, sống lang thang đi ăn xin, nằm viện bị bỏ rơi, không nơi nương tựatại TP Hồ Chí Minh.

Cơ thể con người khi tuổi về già đã không còn sức khoẻ như thời trẻ, những cơn đau ốm bệnh tật hành hạ, và không biết khi nào sẽ ra đi, vậy mà các cụ vẫn phải chịu biết bao đau đớn, tủi hờn. Hiểu và thương xót cho hoàn cảnh của các cụ, giáo xứ Tân Thông luôn cố gắng tạo cho các cụ điều kiện sống tốt nhất để bù đắp phần nào nỗi đau thể xác và tinh thần của các cụ. Người ta thường khi già sẽ được con cháu chăm sóc, được an hưởng tuổi già cùng gia đình, nhưng các cụ đã bị chính con cháu mình bỏ rơi, phải lang thang ngoài đường, không có cơm ăn, áo mặc, và thậm chí là 1 chỗ để ngủ qua đêm.. Giáo xứ chính là nơi để các cụ có thể an hưởng phần đời còn lại của mình. Vì giáo xứ còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất nên rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức đoàn thể từ thiện xã hội, cũng như các mạnh thường quân trong và ngoài nước.

2. Trung Tâm Khiếm Thị Bừng Sáng

Trường Khiếm Thị Bừng Sáng là một cơ sở từ thiện dân lập thuộc Quận 10, TP. HCM. Ðó là một căn phố nhỏ có gác do thầy Đào Khánh Trường, một người khiếm thị dạy nhạc làm chủ. Cảm thông cho số phận các em cùng hoàn cảnh, thầy Trường đã mở lòng đón nhận các em về dưới mái nhà của thầy để thầy nuôi dưỡng và dạy bảo. Trung tâm đang nuôi dạy 51 em khiếm thị từ khắp các vùng đất nước. Các em này đến với trung tâm từ nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều rất đáng thương, bởi các em từ trong khốn khó của cuộc sống mà lại biết vươn lên trong học tập. Đa số các em đang học ở trung học, các em đan giỏ thêm trong lúc rảnh rỗi để kiếm tiền thêm và thỉnh thoảng các em cũng có đi hoà tấu nhạc để phụ với thầy. Thầy trò sống chung với nhau trong một căn nhà chật hẹp ở con hẻm 266/227 đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường 4, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Căn nhà có tên là CƠ SỞ NUÔi DẠY TRẺ KHIẾM THỊ BỪNG SÁNG. Căn nhà bé xíu với chiều ngang 3m và chiều dài 12m cùng với một cái gác chật chội nhưng chứa đựng biết bao gắn bó của các thầy trò. Dẫu có cùng cực đến đâu đi nữa, thầy vẫn thường dạy cho các em luôn có nghị lực, kiên nhẫn và can đảm vượt qua mọi khó khăn để kiếm lấy cái nghề mà tự nuôi sống bản thân. Cuộc sống của các em rất vất vả, thỉnh thoảng cũng có những nhà hảo tâm rộng lòng giúp đỡ, giúp thầy trò có chi phí trang trải thêm cho cuộc sống.

3. Trung Tâm Bảo Trợ - Tỉnh Ninh Bình

Trung tâm bảo trợ Xã hội tỉnh Ninh Bình được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình với chức năng nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người già cô đơn không nơi nương tựa và người tàn tật.

Ngoài việc dạy chữ Trung tâm đã tổ chức dạy nghề cho người tàn tật trên địa bàn toàn tỉnh. Qua hơn 50 khoá học đào tạo nghề, Trung tâm đã dạy nghề cho trên 5000 người tàn tật gồm hơn 20 nghành nghề đào tạo như nghề cắt may, Nghề sửa chữa điện kỹ thuật, Nghề sửa chữa xe máy , cơ khí, gò hàn, máy nổ, Nghề hội hoạ mây tre đan xuất khẩu, nghề khảm sừng, gốm sứ , trạm khắc đá mỹ nghệ….
Hàng năm Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 700 em đều là tàn tật, là con thương binh, liệt sĩ, các em bị nhiễm chất độc hoá học hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,...Được nhận vào học nghề tại Trung tâm các em mỗi người đều được đào tạo 1 ngành nghề phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình, sau khi ra trường có việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần cùng xã hội xoá đói giảm nghèo. Đúng như lời Bác Hồ dạy "Tàn nhưng không phế", các em được học nghề phù hợp có cơ hội tìm việc làm, đóng góp những sức lực, trí lực phù hợp của mình cho xã hội, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

4. TRƯỜNG KHIẾM THỊ-TP.HẢI PHÒNG

Được thành lập từ năm 1991 theo quyết định của UBNDTP HP, Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị ra đời đã đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của bao gia đình có con em khiếm thị và đã trở thành ngôi nhà chung, nơi ươm mầm sáng cho các em khiếm thị và chậm phát triển. Những ai đã từng một lần tới thăm trường có lẽ sẽ không khỏi chạnh lòng trước những mảnh đời éo le, thiệt thòi nơi đây. Đa phần các em ở đây đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có em mồ côi do cha mẹ bỏ rơi từ khi mới sinh, nhiều em mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo khác, nhất là hiện tại nhà trường còn phụ trách cả việc nuôi dạy những trẻ em chậm phát triển. Mỗi tháng mỗi em được trợ cấp 240.000 đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng trong thực tế giá cả thị trường biến động nên số tiền đó hầu như không đủ để trang trải cho sinh hoạt ăn ở, học hành, đồ dùng cá nhân của các em. Cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vui chơi dành cho trẻ khiếm thị còn chưa đầy đủ, nhất là các thiết bị hỗ trợ, phục hồi chức năng và các loại sách giáo khoa chữ nổi. Những điều này không chỉ là thiệt thòi cho cuộc sống của các em khiếm thị mà còn là khó khăn, vất vả cho cán bộ giáo viên nhà trường.Đến nay, trải qua gần 20 năm nỗ lực không ngừng, nhà trường đã từng bước kiện toàn đội ngũ, cơ bản đi vào hoạt động ổn định và đạt chất lượng cao trong công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ khiếm thị. Hiện tại nhà trường có 28 cán bộ, công nhân viên hàng ngày đảm nhiệm việc chăm sóc, nuôi dạy hơn một trăm em khiếm thị.

Kinh phí cho hoạt động này một phần nhờ vào ngân sách nhà nước, một phần qua sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm. Những việc này không chỉ giúp các em phát triển các giác quan, phục hồi những chức năng bị tổn thương mà còn tạo một nghề để kiếm sống sau này. Cũng chính từ những lớp học như thế này mà các em có thêm nghị lực, có tình yêu cuộc sống và tin vào tương lai phía trước.

5. Trẻ em Làng chài nghèo ở phường Ngọc Sơn - Kiến An - Hải Phòng

“Làng chài Kiến An” là tên vẫn được những người dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, dùng để gọi cái làng chài đặc biệt này. Đây là một làng nhỏ, với 20 nóc nhà và gần 100 con người sống ngụ cư bên dòng Lạch Tray tại thành phố Cảng. Không hộ khẩu, không khai sinh, khai tử, họ là những người dân phiêu bạt từ vùng Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đến sống ở đây đã hơn 20 năm nay.

Ra đi từ quê nghèo, để tìm kiếm một cuộc sống thuận lợi hơn, nhưng nghèo đói và lạc hậu hiện chính là vấn đề mà những người dân ở làng chài này và con em họ đang phải đối mặt. Nghề chài lưới trên sông không đủ ăn, những người dân nghèo phải xoay xở thêm những nghề khác như trông xe, vớt phế liệu rồi mang đi bán… Cả làng chài Kiến An sống trong cảnh, thiếu thốn những thứ thiết yếu nhất, tài sản lớn nhất cả làng chỉ có hai chiếc ti-vi. Các ngôi nhà – đúng hơn, là những túp lều – trong làng chài được ghép lại tạm bợ đủ kiểu bằng những mảnh gỗ và phế liệu. Những căn nhà trên bờ, nhà dưới nước, là những con thuyền cũ nát, nằm xiêu vẹo, chỉ đủ để che mưa, che nắng.

Mặt bằng dân trí của những người dân làng chài Kiến An rất thấp. Cả làng chỉ có duy nhất một người lớn biết chữ. Trẻ em trong làng được sinh ra, lớn lên tự nhiên như cây cỏ trên bãi đất ven song, nước da của các em sạm đi vì nắng gió… Trường học đối với các em là điều xa xỉ. Cuộc sống sông nước gây nhiều khó khăn cho việc đến trường của những trẻ em làng chài. Bên cạnh dân trí thấp, đời sống vật chất còn rất chật vật, phải lo kiếm ăn từng bữa, nên những người dân làng chài không quan tâm việc học tập của con em mình.

Để thay đổi tình hình, chính quyền phường Ngọc Sơn, nơi làng chài cư trú, đã lên kế hoạch vay vốn ngân hàng để giúp bà con làm ăn, xóa đói giảm nghèo cho người lớn, và nhất là triển khai liên tục các lớp xóa mù chữ cho trẻ em. Một cánh tay đắc lực trong cuộc chiến đẩy lùi nạn nạn thất học ở làng chài Kiến An là những sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn thành phố.

Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn của làng chài có thể thấy rõ trên những khuôn mặt trẻ thơ làng chài lam lũ nhưng vẫn rạng rỡ bên những trang sách, trong tấm lòng và những việc làm mang ánh sáng văn hóa đến với những trẻ em thất học của các bạn sinh viên tình nguyện, vì tri thức sẽ là yếu tố quan trọng nhất xua đi đói nghèo và lạc hậu.

6. CHÙA LÂM QUANG- Q.8, TP. HCM

Gần 20 năm qua, ngôi chùa Lâm Quang đã trở thành ngôi nhà chung của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Nằm trong một con hẻm nhỏ ở số 301 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang vẫn luôn mở rộng tấm lòng để thường xuyên đón nhận chở che những người già neo đơn, cô độc, những số phận cần sự sẻ chia. Chùa Lâm Quang bắt đầu tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc cho những người già neo đơn từ năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Khởi điểm chùa nhận nuôi khoảng 30 cụ, đến nay số lượng các cụ được nhận chăm sóc đã lên đến 130 cụ, đây là những cụ già neo đơn không còn con cháu, không nơi nương tựa được chính quyền phường hoặc Phật tử giới thiệu đưa vào

Suốt 17 năm qua, chùa Lâm Quang đã nhận chăm sóc gần 200 cụ bà. Mỗi năm cũng có nhiều cụ mất đi, nhưng số lượng các cụ xin vào luôn tăng lên. Hiện có 132 cụ, chủ yếu là các cụ bà từ 65 đến 90 tuổi đang được chăm sóc tại nhà dưỡng lão của chùa. Để có kinh phí để chăm sóc tốt cho các cụ già, những ngày đầu các ni sư của chùa phải làm thêm nhiều việc từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có ma chay, đám giỗ… Tại đây, hàng ngày đều có gần 20 sư cô chăm sóc cho các cụ bà với những công việc như: cho ăn uống, thuốc thang, tắm giặt…

Tuy điều kiện vật chất tại các chùa còn khó khăn nhưng việc tổ chức chăm lo cho các cụ già rất chu đáo: các cụ được chăm lo 3 bữa cơm một ngày, đều có giường riêng, có y tá tại chổ chăm sóc và theo dõi sức khỏe thường xuyên, khi có cụ nào qua đời thì nhà chùa đều chăm lo tổ chức tang lễ. Nguồn tài chính chủ yếu do lòng hảo tâm của Phật tử đóng góp và trích từ quỹ phước sương của chùa. Việc làm mang ý nghĩa nhân đạo và thiết thực của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến và Ni trưởng Thích Nữ Vạn Liên đã được Phật tử và các nhà hảo tâm xa gần biết đến ngày càng nhiều, cùng nhà chùa đóng góp chăm lo cho nhiều cụ già neo đơn trong Quận 8 và khu vực lân cận, góp phần tích cực cùng Nhà nươc trong việc chăm lo cho người già neo đơn không nơi nương tựa có được một cuộc sống ổn định hơn. Từ hiệu quả của việc làm nhân ái này của nhà chùa, mà rất nhiều nhà hảo tâm và người dân đã tự nguyện đến phụ giúp nhà chùa. Người góp chút dầu, chút gạo muối, người không có tiền thì góp công, góp sức để giúp nhà chùa chăm sóc cho các cụ. Để lo cho các cụ có cuộc sống ổn định, nhà chùa đã tiết kiệm mọi chi phí, và công việc từ thiện của nhà chùa cũng được bà con Phật tử nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó, nhà chùa đã mạnh dạn mở rộng 2 khu nhà dưỡng lão: Khu dành cho những cụ lớn tuổi bệnh nặng và khu dành cho những cụ còn khỏe, với diện tích gần 300m2.